Thứ Sáu, 6 tháng 8, 2010

Có gì mới sau Đại hội Nhà văn Việt Nam?

Còn nhớ, tháng 8/2011, Đại hội Hội Nhà văn VN lần thứ 8 tổ chức tại Hà Nội, không khí nóng hổi, chứng tỏ cái hội của những “kẻ sĩ” cũng lắm chuyện phức tạp. Ngay trước đại hội đã râm ràn nhiều lời bán tán xì xầm, các trang báo mạng, blog hoạt động hết công xuất, phải nói rằng nhờ có báo mạng mà những người yêu mến, quan tâm đến sự nghiệp văn học nước nhà mới có dịp “thưởng thức” những tham luận khó nuốt.

Đại hội Hội Nhà văn VN, khai mạc đại hội, vẫn như thông lệ, có các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm, đặc biệt Thường trực ban Bí thư Trương Tấn Sang tặng Đại hội bức trướng mang dòng chữ “Đoàn kết - dân chủ - xây dựng - sáng tạo”. Thoạt nghe có vẻ đây là sự quan tâm của đảng đối với sự phát triển của nền văn học nước nhà, nhưng những gì diễn ra trong Đại hội trái ngược hoàn toàn.
Hội nhà văn là nơi quy tụ những nhà văn, những người có đóng góp cho sự nghiệp văn chương, mỗi khi đến kỳ đại hội người ta phải mổ xẻ những mặt làm được và chưa được của hội thời gian qua, nhưng ở đây không phải vậy, người ta lại chú tâm và giành phần lớn thời gian cho công tác nhân sự, liệu có phải có ai đó quan tâm đến bộ máy của hội hoạt động như thế nào trong thời gian tới, chứ không phải thời gian tới làm sao có những tác phẩm xứng tầm thời đại.
Điểm qua những gương mặt trúng cử vào BĐH nhiệm kỳ tới toàn gương mặt cũ, ngoại trừ một số người “ly khai” khỏi vị trí công việc, Hữu Thỉnh tái đắc cử  nhiệm kỳ 3, thử hỏi trong thời gian qua vai trò của cá nhân ông đối với Hội Nhà văn VN, đối với sự nghiệp văn chương nước nhà như thế nào? Dạo quanh thị trường, sách giành cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng hầu hết dịch của nước ngoài, thậm chí có nhiều ấn phẩm nội dung khiêu dâm, kích dục, đã đầu độc cả một thế hệ tương lai. Sách giành cho người lớn là những tác phẩm có nội dung ná ná giống nhau (đạo văn), những cuốn sách phản ánh thị hiếu tầm thường của độc giả, thời mà những câu chuyện đời tư, phòng the, những tác phẩm “giật mình” dư luận lên ngôi. Trong những năm tới, những con người đã làm huỷ hoại nền văn học nước nhà, sẽ đưa sự nghiệp văn học của chúng ta đi đâu về đâu?
Đại Hội nhà văn VN chỉ lo đấu đá, kèn cựa, sặc mùi cơm áo, gạo tiền (xôi-thịt), cơ chế xin-cho, không tự chủ được bản thân thì làm sao thoát ra khỏi cái bóng của chính mình. Đến nỗi nhà văn Nguyễn Huệ Chi cùng với hơn 20 nhà văn khác kiến nghị Hội hãy tránh xa hầu bao của Nhà nước, gạt bỏ những ham muốn vật chất tầm thường, để đầu óc thảnh thơi, tự do sáng tác. Trong các kỳ Đại hội gần đây chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến việc cả một thời gian dài nền văn học Việt Nam không có một tác phẩm xứng tầm thời đại, trong số nhiều nguyên nhân phải nói rằng các nhà văn vẫn còn thiếu một cái gì để tài năng phát huy, phải chăng đó chính là sự “giải phóng”, giải phóng khỏi lề lối làm việc, giải phóng khỏi lối tư duy cũ, quan trọng nhất giải phóng chính mình.
Việc nhà văn Trần Mạnh Hảo, nhà thơ Bùi Minh Quốc đưa chủ đề chống bành trướng của giặc phương Bắc, giặc nội xâm, có vẻ như vượt quá giới hạn và khả năng của Hội, cũng như sức ảnh hưởng của diễn đàn này. Không phải hai ông không biết điều đó, việc cả hai cố tình đưa tham luận vào Đại hội chứng tỏ hai ông rất tâm huyết với vận mệnh của dân tộc và ở Việt Nam quá ít, nếu không muốn nói không có diễn đàn để những người quan tâm đến vận mệnh, tương lai của dân tộc thảo luận. Nên chăng, Trần Mạnh Hảo và Bùi Minh Quốc, 02 ông nên có những tham luận dừng lại ở việc góp ý Hội Nhà văn VN cần định hướng ngòi bút các nhà văn vào sự nghiệp chống ngoại xâm và nội xâm. Ông Hà Sĩ Phu với bài “Tâm tình với nhà văn Trần Mạnh Hảo”, trong “tâm tình” của mình, ông Hà Sĩ Phu cũng có chung suy nghĩ và những trăn trở giống như Trần Mạnh Hảo về trách nhiệm của nhà văn, nhà thơ trước vận nước, giặc phương Bắc, giặc nội xâm, đặc biệt tình trạng Việt Nam mất tự do ngôn luận, tự do tôn giáo. Song Hà Sĩ Phu hình như chưa thoả mãn với cung bậc nói thật của Trần Mạnh Hảo, vì có thể TMH chưa truy đến cùng cái nguồn gốc thật của mọi tai vạ là ở chủ nghĩa rất phi lý của Mác và và người đã đem chủ nghĩa sai lầm ấy vào Việt Nam là Hồ Chí Minh. Còn nhạc sĩ Tô Hải có những băn khoăn, lo lắng cho số phận của Trần Mạnh Hảo sau khi ông có những phát biểu “gây sốc” trong đại hội.
Trong Đại hội có ông Hữu Ước, “ông tướng - nhà văn”, ngồi trên ghế Chủ tịch đoàn, Hữu Ước được biết đến với “tài” viết kịch, sự thực ông đã viết và dựng được nhiều vở kịch, hy vọng rằng sau sự cố “tịt” micro đối với Trần Mạnh Hảo sẽ là một đề tài thú vị cho vở kịch mà trong đó ông là nhân vật chính, vở kịch chào mừng “thành công” Đại hội Nhà văn Việt Nam có tên như TMH đã dặt là “Đại Hội bịt mồm”.
Đại hội Nhà văn Việt Nam đã được chỉ đạo phải “Đoàn kết - dân chủ - xây dựng - sáng tạo”, nhưng những gì diễn ra hoàn toàn ngược lại, có người nói, Đại hội Nhà văn đã bị “chính trị hoá”, hội nhà văn không còn là hội đơn thuần nữa, mà là một tổ chức chính trị, công cụ  tuyên truyền của Cộng sản.
Có người viết một đoạn châm biếm thế này Cả thế giới phải sợ người Mỹ vì người Mỹ đã nói là làm. Thế nhưng người Mỹ lại sợ người Nhật vì người Nhật làm xong mới nói. Vậy người Nhật sợ ai, xin thưa, đó là người Trung Quốc, vì người Trung Quốc không nói cũng làm. Vậy xin hỏi người Trung Quốc sợ ai, đó là người Việt Nam, người Việt Nam nói một đằng làm một nẻo”. Nói vậy mới thấy người Việt mình cũng đáng “sợ”, sợ vì kiểu hành xử khác thường, làm đối thủ không kịp trở tay. Đoạn châm biếm trên đã lột tả toàn bộ những gì đã diễn ra ở Đại hội Nhà văn VN và sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.
Nhất Nam
Sài Gòn, tháng 8/2010.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét