Thứ Tư, 14 tháng 7, 2010

Con tàu Vinashin nay đã chìm

Những ngày gần đây, dư luận bàn tán chuyện con tàu huyền thoại Vinashin từng vang bóng một thời. Huyền thoại có từ hơn 20 năm về trước, được thêu dệt bởi những thuỷ thủ tàu viễn dương, thời kỳ ngăn sông cấm chợ, kinh tế khó khăn, thì những thủy thủ tàu vút-cô mang những món hàng second hand ở xứ người (TV, tủ lạnh, cassette…) về nước bán, ở đó nhiều đôi khi là đồ bỏ đi, nhưng về nước nhiều khi vài món hàng cũng đáng giá cả gia tài.
Năm nay, không phải năm “hợp” với những ‘siêu” dự án, đặc biệt những dự án có từ liên quan đến tàu, có lẽ con hổ (cọp) không hợp cới con tàu. Còn nhớ, cách đây hơn 01 tháng Quốc hội đã bác dự án đường sắt cao tốc Bắc- Nam, nay đem ra “xử trảm” lượt tập đoàn Vinashin. Ôi thời oanh liệt nay còn đâu, giờ đây khi mà con tàu chuyên đi nhặt rác thải công nghiệp, người ta đã phù phép và gắn thêm cho nó nhiều tính năng, để trở thành đội tàu với những con tàu tải trọng hàng trăm nghìn tấn vươn ra khắp đại dương, đó là Vinashin tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ, con chim đầu đàn, của ngành công nghiệp Việt Nam. Con tàu nhỏ gắn trên nó sứ mệnh của cả dân tộc, sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành nước có nền công nghiệp phát triển vào năm 2020, nhiệm vụ nặng nề vượt quá khả năng vốn dĩ của nó, không phát bệnh mới lạ.
Có người nói rằng, Vinashin xảy ra tình trạng như ngày nay, có một phần trách nhiệm của Chính phủ, Chính phủ quá nuông chiều và kỳ vọng Vinashin. Chính phủ đã cho “đứa con cưng” những ưu đãi, đặc quyền mà ngay cả những tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có nằm mơ cũng không thấy được, nào là khoanh nợ, giãn nợ, phát hành trái phiếu quốc tế… Cũng chính vì nuông chiều quá nên “con” hư, giờ đây người ta sẽ tìm một phương cách nào đó để cứu Vinashin, chẳng hạn như tái cơ cấu để rồi khoác cho nó bộ áo mới. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, khoản nợ khổng lồ hơn 80.000 tỉ vẫn còn đó…
Việt Nam phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, Nhà nước nắm những ngành kinh tế then chốt, mũi nhọn, để “lèo lái” nền kinh tế đi theo định hướng đã chọn. Nay thì con tàu đã bị “gãy” bánh lái, vì nó chở “hàng hoá” quá tải, bị bẻ lái nhiều hướng, nhiều lĩnh vực (địa ốc, tài chính, chứng khoán…). Khi mà bánh lái đã gãy, định hướng không được, mất phương hướng…thực tiễn không được khẳng định, lý luận có nguy cơ bị khủng hoảng, không biết trong kỳ Đại hội Đảng CS sắp tới người ta sẽ thay hai từ “định hướng” bằng mỹ từ nào khác?. Những người Cộng sản đã “gắn” lý luận kinh tế thị trường của tư bản vào XHCN, đây là một cuộc “hôn nhân” không hạnh phúc (không có hậu).
“Thuyền trưởng” Phạm Thanh Bình, đứng đầu một tập đoàn lớn, có đầy quyền uy, quyền lực đã được ông khai thác như một thứ vũ khí lợi hại, ban phát bổng lộc cho người thân, thuộc cấp, đây là một biểu hiện của kiểu kinh doanh “gia đình trị”. Với tư cách người đứng đầu tổ chức đảng, ông đã sử dụng triệt để quyền năng của “chiếc đũa thần”. Giờ đây, Phạm Thanh Bình bị đưa ra kiểm điểm trách nhiệm, đang bị cơ quan điều tra “sờ gáy”, nhưng còn số phận các “thuyền viên” thì sao, bao năm họ gắn bó với nhà máy, ai sẽ lo việc làm cho họ, những “siêu dự án” của Vinashin sẽ giao cho ai, bán cho ai và ai mua nó, giá bao nhiêu ?. Chưa thể có câu trả lời, trong khi chờ đợi, tạm hài lòng với câu nói nổi tiếng của La Quán Trung, tác giả cuốn Tam quốc diễn nghĩa: “hồi sau sẽ rõ”.
Cái vòng luẩn quẩn, rối như to vò, ai cũng biết nhưng không thể thoát ra được, doanh nghiệp (Nhà nước) nợ tiền ngân hàng, ngân hàng và doanh nghiệp thuộc quản lý Nhà nước, đáo hạn doanh nghiệp không thể thanh toán, thậm chí nguy cơ phá sản, doanh nghiệp kêu cứu, Nhà nước cho dãn nợ, khoanh nợ, thậm chí xoá nợ. Như vậy, việc vay, cho vay chỉ là hai “ông con” của Nhà nước, vấn đề ở chỗ, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, thất thoát tài sản, tiền của Nhà nước, thực chất đó là tiền thuế của nhân dân.
Có người nói, chuyện các tập đoàn Nhà nước làm ăn đa ngành, đa lĩnh vực dẫn đến thua lỗ; người đứng đầu các tập đoàn dùng quyền lực ban phát cho người thân, thuộc cấp của mình; sau mỗi lần thanh kiểm tra người ta lại kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc, đôi khi còn khoác cho nó bộ áo mới. Tất cả những điều trên không có gì mới.
Có ý kiến cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà Uỷ ban Kiểm tra TW đưa ra kết luận Vinashin đúng vào thời điểm này, khi mà chuẩn bị đến Đại hội Đảng CS. Nhất định phải có “thế lực” chính trị nào đó đứng sau, vì “thảm hoạ” Vinashin đã được cảnh báo từ hơn 02 năm về trước. Vụ việc Vinashin thể hiện sự chia rẽ trong nội bộ giữa các “phe” trong hàng ngũ lãnh đạo Đảng CS VN; Vinashin và dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam bị bác, là “đòn” đánh vào uy tín Chính phủ.
           Câu chuyện Vinashin và những câu chuyện đại loại như kiểu Vinashin sẽ còn nhiều và sẽ rất thú vị, chính trường VN còn nhiều bất ngờ. Thay cho lời kết, xin một lần nữa dùng lại câu của La Quán Trung “muốn biết, hồi sau sẽ rõ”. 
Nhất Nam
Sài Gòn, tháng 7/2010.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét