Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

Tuyệt chiêu hạ gục đối thủ!



Chỉ cần vào Google gõ từ khóa “Tổng thống Thein Sein”, có 135.000 kết quả, trong 0.30giây, tương tự “bà Aung San Suu Kyi”, 285.000 kết quả, 0.36giây, còn Myanmar, 45.700.000 kết quả, 0.21giây. Những con số biết nói trên, cho thấy mức độ quan tâm của báo giới đối với quốc gia dân chủ mới nổi trong khu vực Đông Nam Á. Nhà đầu tư quan tâm nhiều đến nguồn tài nguyên chưa được khai phá, kèm hàng tá cơ hội kinh doanh, còn nhà hoạt động dân chủ nhìn nhận sự trỗi dậy của Myanmar như một biểu tượng dân chủ.

Diễn biến chính trị tại Myanmar thay đổi đến mức “kinh ngạc”, ngoài trí tưởng tượng của những người lạc quan nhất, không ít người trìu mến gọi là “điều kỳ diệu” của Myanmar, trìu mến đồng thời dành cho 2 cá nhân là Tổng thống Thein Sein và bà Aung San Suu Kyi. Thực sự “điều kỳ diệu” có dành cho cả hai?
Lựa chọn duy nhất
Trước sức ép của quần chúng, các nước phương Tây…buộc phe quân đội phải nhượng bộ, chuyển từ chế độ độc tài quân sự, sang dân sự, mở rộng dân chủ, bằng việc trao quyền cho tướng giải nghệ cũng là Tổng thống Thein Sein đương nhiệm. Đây là sự lựa chọn khôn ngoan và duy nhất, bởi nếu không …với sự hỗ trợ, áp lực từ các nước phương Tây, phe phái, chính đảng trong nước…sẽ đưa Myanmar đến thảm kịch như các nước Bắc Phi và Trung Đông. Dù sao quân đội “rút lui” khỏi chính trường, trao quyền cho người của mình, trong khi vẫn kiểm soát được tình hình, là lựa chọn duy nhất, có lợi nhất.
Tuyệt chiêu, hạ gục đối thủ!
Trước diễn biến chính trị phức tạp tại Myanmar, tình thế có lợi cho bà Aung San Suu Kyi, người từng được kỳ vọng làm thay đổi tình hình dân chủ và là đối trọng với phe quân sự đang nắm quyền. Với chiêu thức giương cao ngọn cờ dân chủ, lại được các quốc gia phương Tây hậu thuẫn, bà Aung San Suu Kyi là biểu tượng của dân chủ, hòa bình, thịnh vượng…Nhận thấy, không thể tiếp tục duy trì quyền lực, quân đội chấp nhận trao quyền cho Tổng thống Thein Sein thông qua kỳ bầu cử đầy tranh cãi. Rồi! Tổng thống Thein Sein làm cả thế giới ngạc nhiên về những cải cách cả chính trị, kinh tế, đối nội, đối ngoại…, cũng chiêu bài đề cao giá trị dân chủ, tự do báo chí, thả hàng ngàn tù chính trị…, dường như đã dáp ứng nguyện vọng của toàn thể nhân dân, cũng như cộng đồng thế giới, mở toang cánh cửa đón tự do, dân chủ, làn sóng đầu tư từ nước ngoài, tăng cường chuyến công du các nước, được các nước phương Tây nghênh đón, sự kiện vốn trước kia dành cho bà Aung San Suu Kyi.
Như vậy, cương lĩnh tạo sự khác biệt của bà Aung San Suu Kyi, cái thứ “vũ khí” là hành trang bước vào chính trường đã bị chính đối thủ (Tổng thống Thein Sein) sử dụng, ông là người đang thực thi những giá trị mà bà Aung San Suu Kyi gầy công tạo dựng. Thử hỏi, hình ảnh bà Aung San Suu Kyi còn là niềm khát khao, kỳ vọng của người dân Myanmar? Với mỗi người dân Myanmar hay các các nước muốn kiến tạo nền dân chủ tại Myanmar xem bà là phương tiện để đạt được giá trị, trừ khi chưa tìm được người thay thế, nay tình hình đã khác, cái đích mà người dân mong muốn đã và đang đến, đặc biệt có sự chuyển giao quyền lực trong hòa bình, thì Tổng thống Thein Sein là sự lựa chọn không thể tốt hơn.
Có ý kiến cho rằng, thay đổi bất ngờ từ Myanmar chuyển từ nền độc tài quân sự sang dân sự, dân chủ, không trải qua một cuộc cách mạng màu, cách mạng đường phố, không tạo ra sự bất ổn trong xã hội như một số nước Bắc Phi và Trung Đông, thay đổi theo kiểu tự diễn biến, đây là cách mà giá trị dân chủ được tôn vinh, ở một khía cạnh nào đó đã mang lại một kết cục có hậu. Bà Aung San Suu Kyi không còn là ngôi sao của chính trường Myanmar, nhưng những nỗ lực của bà cùng các nhà hoạt động dân chủ ở Myanma đã góp phần thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa diễn tiến nhanh hơn.
Quốc hội Myanmar quyết định thành lập Ủy ban nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp nhằm đáp ứng “tiến trình cải cách hiện tại của đất nước”, hiến pháp hiện tại do chính quyền quân sự ban hành từ năm 2008 - cấm những cá nhân có mối liên hệ với nước ngoài (như có vợ, chồng hoặc con là người nước ngoài) sẽ không được tranh cử tổng thống hoặc phó tổng thống. Có thể thấy quy định này nhắm trực tiếp vào bà Aung San Suu Kyi (chồng quá cố của bà là người Anh, hai con của bà hiện đều sống ở Anh). Hiến pháp cũng dành đặc quyền cho giới quân sự khi quy định 25% số ghế trong quốc hội thuộc về các đại biểu quân đội. Giới quan sát cho rằng việc sửa đổi hiến pháp sẽ dọn đường cho bà Aung San Suu Kyi tranh cử tổng thống sau cuộc tổng tuyển cử năm 2015, nhưng oái oăn thay, thành viên ban soạn thảo là thân tín của Tổng thống Thein Sein, mà tổng thống xuất thân từ quân đội. Do đó, bản hiến pháp mới khó lòng đáp ứng kỳ vọng của giới quan sát, cũng như đông đảo quần chúng nhân dân, trừ khi nhà lập pháp độc lập với nhà cầm quyền.
Nhất Nam
Sài gòn, tháng 3/2013


2 nhận xét:

  1. Đây là bài viết hay, sắc sảo, đáng xem. Nhưng đọc hết dòng cuối cùng, bạn đọc hơi có cảm giác bị “hẫng”, hơi thòm thèm (dù chỉ một chút thôi), bạn đọc cứ muốn biết một câu bình luận cuối cùng nào đó của tác giả, hoặc về hiến pháp, hoặc về bản lĩnh nhân vật, hoặc về diễn biến sắp tới, hoặc một bình luận bỏ lửng…

    Chúc cháu nhiều thành công

    Trả lờiXóa
  2. Vâng, rất cảm ơn về những nhận xét của chú, cháu cũng nghĩ cần có đoạn kết cho bài viết của mình, nhưng nghĩ mãi không viết được dòng cuối...thỏa đáng.
    Cháu Nhất Nam

    Trả lờiXóa