Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2012

Sự hình thành và phát triển quyền con người ở Việt Nam



Với ý nghĩa là nền tảng của sự tôn trọng các quyền con người, giống như ở nhiều dân tộc khác, lòng khoan dung, nhân đạo cũng là những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt. Điều này cơ bản xuất phát từ lịch sử hàng ngàn năm chống chọi với thiên tai và các thế lực ngoại xâm, lịch sử thăng trầm, điều kiện sống khắc nghiệt và ảnh hưởng của Phật giáo, Nho giáo…đã hun đúc nên những giá trị tinh thần tiêu biểu của dân tộc Việt, trong đó tính kiên cường, nhẫn nại, tinh thần nhân ái, vị tha trong đối xử với những người lầm lỗi, ngay cả với những kẻ xâm lược.

Tư tưởng khoan dung, nhân đạo kể trên trước hết thể hiện trong các truyền thuyết và kho tàng thơ ca dân gian của người Việt. Những tư tưởng đó còn ảnh hưởng đến cách thức cầm quyền qua các thời đại. Từ thời các Vua Hùng dựng nước, các triều đại phong kiến Việt Nam đã chú ý kết hợp giữa “nhân trị” với “pháp trị”, giữa “trị quốc” với “an dân”. Tư tưởng “lấy dân làm gốc” đã được Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi đề cập một cách trực tiếp và gián tiếp từ những thế kỷ XIV, XV…Có lẽ vì vậy mà lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam không có nhiều trang quá tàn bạo, như nhiều nước khác trên thế giới mà ngược lại, hầu như ở thời kỳ nào cũng có những ví dụ về tinh thần khoan dung, nhân đạo đối với những kẻ lầm lạc và giặc ngoại xâm.
Vào thời kỳ nhà Lý (1010-1225), bộ Hình thư được ban hành là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử pháp quyền Việt Nam, nội dung của bộ luật thể hiện tính nhân đạo rất cao. Mặc dù được ban hành để bảo vệ quyền lợi của Nhà nước phong kiến tập quyền, song bộ luật này đã bao gồm những quy định nhằm hạn chế sự lộng quyền, lạm quyền áp bức dân lành của giới quan liêu quý tộc, bộ luật này còn chứa nhiều quy định mang tính nhân văn, nhân đạo, chẳng hạn như không quy định hình phạt tử hình, cấm mua bán trẻ em làm nô lệ… Hội nghị Diên Hồng (1284) dưới triều Trần (1225-1400) thể hiện một cách đặc biệt sinh động tinh thần “lấy dân làm gốc”. Tư tưởng này sau đó cũng được khắc họa bởi vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo (1232-1300), người trước khi qua đời còn khuyên vua cần quan tâm đến dân, “khoan sức dân” để làm kế “sâu rễ bền gốc”. Ở một góc độ khác, tinh thần nhân đạo, nhân văn thời nhà Trần còn được phản ánh qua hình ảnh nhà vua Trần Nhân Tông (1258-1308) người được coi là ông Tổ của Phật giáo Việt Nam.
Tinh thần khoan dung, nhân đạo ở thời Lê (1428-1778) được thể hiện ngay trong giai đoạn xây dựng vương triều, qua việc đối xử nhân đạo với 10 vạn quân Minh bại trận. Đặc biệt ở thời Lê là bộ Quốc triều hình luật (thế kỷ XV) hay còn gọi là Bộ luật Hồng Đức. Bộ luật này đã kế thừa những giá trị tinh hoa truyền thống về kỹ thuật lập pháp và đặc biệt là tư tưởng nhân đạo của dân tộc, được nhiều nhà luật học trong và ngoài nước coi là một trong bộ luật chặt chẽ, đầy đủ, tiến bộ nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam, có thể xếp ngang hàng với những bộ luật nổi tiếng trên thế giới. Bộ luật chứa đựng nhiều điều khoản có ý nghĩa khẳng định và bảo vệ các quyền con người, tiêu biểu như: bảo vệ tính mạng, nhân phẩm và tài sản của người dân; bảo vệ người dân khỏi bị nhũng nhiễu bởi giới quan lại, cường hào; bảo vệ những đối tượng yếu thế trong xã hội (những người mồ côi, con nuôi, những kẻ đau ốm không nơi nương tựa…). Đến triều đại Tây Sơn, mặc dù chỉ duy trì vương quyền trong một thời gian ngắn (1789-1802), song qua một số chiếu chỉ của vua Quang Trung như chiếu lên ngôi, chiếu cầu hiền, chiếu khuyến nông…cho thấy sự kế thừa tinh thần nhân văn của dân tộc một cách rất rõ nét. Ở triều Nguyễn (1802-1945) mặc dù Bộ hoàng triều luật lệ (còn gọi là Bộ luật Gia Long) bị coi là khắc nghiệt, song nhiều vua nhà Nguyễn cũng có nhiều điểm tiến bộ, phản ánh tinh thần nhân văn, nhân đạo của dân tộc, trong đó có chính sách kêu gọi người dân khai khẩn đất hoang, góp phần mỏ mang bờ cõi về phía Nam.
Tư tưởng về quyền con người xuyên suốt trong thời kỳ phong kiến ở Việt Nam còn thể hiện ở truyền thống dân chủ trong nhiều lĩnh vực, mà tiêu biểu trong việc quản lý cộng đồng, tuyển dụng và sử dụng nhân tài, trong việc thảo luận và quyết định các cộng việc quốc gia đại sự. Như vậy, có thể khẳng định dân tộc Việt Nam có truyền thống nhân đạo và tôn trọng con người, nhiều triều đại trong lịch sử đã biết trân trọng ý kiến nhân dân ở những mức độ nhất định.
Đến cuối cuối thế kỷ XIX, nhiều trí thức Việt Nam như Phan Bội Chấu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng…đã tiếp thu những tư tưởng tiến bộ về tự do bình đẳng, bác ái, tư tưởng về dân quyền, dân chủ của Cách mạng tư sản. Một trong những chủ trương của Phong trào Duy Tân là vận động nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí, phát triển dân sinh, vận động dân quyền. Trong sách “Tự phán”, Phan Bội Châu cho biết sau khi đi Nhật về năm 1906, Phan Châu Trinh đã khẳng định lập trường: “chỉ nên đề xướng dân quyền, dân đã biết có quyền thì việc khác có thể tính lần được”. Có thể khẳng định Phân Châu Trinh là nhà hoạt động chính trị đầu tiên đề xướng dân quyền ở Việt Nam. Trong giai đoạn này nhiều hoạt động đòi thực thi dân quyền, diễn ra khắp nơi, đặc biệt là các đô thị lớn, đa dạng về hình thức và nội dung, có sự tham gia của nhiều giới, nhiều thành phần trong xã hội, không chỉ học sinh, công nhân mà cả nông dân và trí thức, nổi bật nhất là các phong trào đòi tự do báo chí, tự do xuất bản, tự do lập hội…
Năm 1945, tổ chức Liên hợp quốc thành lập, Hiến chương Liên hợp quốc đã đề cao giá trị quyền con người, bằng việc cho ra đời hàng loạt văn kiện quốc tế về nhân quyền. Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, cho đến nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã tham gia hầu hết các công ước quốc tế về nhân quyền. Tuy nhiên, chính việc tham gia trên đã tạo áp lực cho nhà nước đối với việc thực thi dân chủ, nhân quyền. Hiện nay các nước và nhân dân tiến bộ trên thế giới đang gây áp lực đòi thực hiện các cam kết quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam tham gia, trong đó tập trung vào các nhóm quyền dân sự chính trị (Quyền không được bắt giam tùy tiện; Quyền được xét xử công bằng; Quyền được tự do đi lại, lựa chọn nơi ở; Quyền được tự do tư tưởng, tín ngưỡng, tôn giáo; Quyền được tự do ngôn luận, thông tin; Quyền tự do lập hội, hội họp…). Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam vận dụng học thuyết quyền pháp lý trong việc thực thi dân quyền, theo đó các quyền con người không phải là những gì bẩm sinh, vốn có một cách tự nhiên, mà phải do các nhà nước quy định trong pháp luật. Như vậy, quyền pháp lý đã giới hạn quyền con người trong khuôn khổ pháp lý và phụ thuộc vào lợi ích của giai cấp thống trị trong xã hội, điều này xuất phát từ thực tế hiện nay, chủ thể (Nhà nước) vi phạm quyền thường là các cơ quan công quyền, công chức nhà nước hoặc các chủ thể khác có quyền lực trong xã hội. Trước áp lực của cộng đồng quốc tế, yêu cầu Chính phủ Việt Nam đảm bảo nhân quyền, trong đó không được bắt bớ, đàn áp những người bất đồng chính kiến, thả tù nhân lương tâm, tù chính trị… Tuy nhiên, để bảo vệ và giữ vững thể chế chính trị, Chính phủ Việt Nam lý giải cho sự việc trên xuất phát từ đặc điểm văn hóa, kinh tế xã hội...
Như vậy, sự hình thành và phát triển nhân quyền ở Việt Nam qua các thời kỳ cho thấy:
Thời kỳ xã hội phong kiến vấn đề nhân quyền không đề cập một cách cụ thể, nhưng ở một góc độ nào đó, các vương triều luôn quan tâm và đảm bảo nhân quyền, nổi bật nhất là sự ra đời của Bộ luật Hồng Đức, tư tưởng “lấy dân làm gốc” của Trần Hưng Đạo, “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” của Nguyễn Trãi. Việc thực thi và đảm bảo quyền con người của xã hội phong kiến xuất phát tự thực tế quản lý xã hội, các vương triều tự đề ra để thực hiện, không chịu áp lực bên ngoài.
Thời kỳ xã hội thuộc địa nửa phong kiến, Phan Châu Trinh cùng các bậc tiền bối chịu nhiều ảnh hưởng của cuộc Cách mạng tư sản, đã tiếp thu tư tưởng tiến bộ tự do, bình dẳng, bác ái vào xã hội Việt Nam, đồng thời yêu cầu nhà cầm quyền thực thi, tuy nhiên không được chấp nhận và bị đàn áp dã man.
Thời kỳ Nhà nước CHXHCN Việt Nam, tham gia hầu hết các văn kiện quốc tế về quyền con người của Liên hợp quốc, tuy nhiên thực thi có chủ ý và hạn chế, nhằm đảm bảo lợi ích của giai cấp thống trị. Hiện đang bị cộng đồng quốc tế lên án là vi phạm dân chủ, nhân quyền.
Tóm lại, sự hình thành và phát triển nhân quyền ở Việt Nam qua các thời kỳ, trải qua 03 giai đoạn: giai đoạn 1, chú trọng, đề ra, thực thi (xã hội phong kiến); giai đoạn 2, du nhập tư tưởng tiến bộ về nhân quyên để yêu cầu nhà cầm quyền thực thi (thời kỳ xã hội thuộc địa nửa phong kiến, Phan Châu Trinh là người khởi xướng); giai đoạn 3, tham gia các văn kiện của Liên hợp quốc về đảm bảo quyền con người, tuy nhiên né tránh không thực thi một cách đầy đủ, nhằm bảo vệ lợi ích giai cấp thống trị.
Nhất Nam
Sài Gòn, tháng 9/2012.


1 nhận xét:

  1. Bạn đã có sự hiểu biết nhất định về lịch sử nhân quyền ở Việt Nam, một đất nước đang đói nhân quyền.
    Hy vọng với những nỗ lực của bạn giúp cải thiện tình hình nhân quyền tại VN

    Trả lờiXóa