Thứ Sáu, 8 tháng 10, 2010

Trông người mà ngẫm đến ta!

Những ngày qua cả thế giới dõi theo câu chuyện “thần thoại” về việc Chính phủ Chilê giải cứu 33 thợ mỏ, những gì họ đạt được ngoài sức tưởng tưởng của con người, phải nói rằng khi sự việc xảy ra ngay cả những người giàu trí tưởng tượng cũng không tưởng tượng nổi, bởi dưới độ sâu hơn 700m có 33 sinh mạng con người chờ đợi được giải cứu và đặc biệt việc này chưa từng có tiền lệ. Nhưng rồi điều kỳ diệu nhất cũng đã đến, thợ mỏ cuối cùng đã lên đến bờ, chúng ta hãy một lần nữa chúc mừng họ, những người từ cõi chết trở về.

Đó là chuyện xứ người, chuyện ở đất nước Chilê xa xôi, bên kia bán cầu, nhưng giờ đây nó lại rất gần, bởi câu chuyện về những nỗ lực, gần như tuyệt vọng của Chính phủ, người dân Chilê, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân của mình và đó cũng là tình yêu thương con người đối với con người. Còn chuyện xứ ta thì sao? 09 ngư dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Nam) đang đánh bắt cá tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị hải quân Trung Quốc bắt, lí do xâm nhập trái phép lãnh thổ “láng giềng”. Có 02 điều cần phải nói, thứ nhất họ đang hành nghề trên chính lãnh thổ Việt Nam, mà nhà chức trách Việt Nam không thể bảo vệ được công dân của mình, thứ hai sau khi Chính phủ Trung Quốc tuyên bố thả 09 ngư dân, nhưng mấy ngày sau vẫn không thấy “bóng dáng” họ ở đâu. Câu chuyện ở đất nước Chilê đã cho cả thế giới một bài học, về tình người, về cách xử sự của con người. Việt Nam - Trung Quốc, hai người đồng chí, nhưng luôn “đấu trí”, họ luôn muốn “nuốt” đất nước Việt Nam nhỏ bé, những ngư ở hành nghề đánh cá trên biển Đông là nạn nhân. Ai có thể khẳng định rằng 09 ngư dân bị bắt đã được thả, giả sử họ có được thả, thì với chiếc tàu cá trang thiết bị thô sơ họ có thể vượt qua cơn bão lớn về đến đất mẹ. Nếu như đất nước Chile trong hơn 02 tháng, cùng cầu nguyện  trong sự hồi hộp, đợi chờ nỗ lực phi thường của Chính phủ, người dân Chilê, còn số phận éo le của 09 ngư dân Việt Nam thì sao, chúng ta hãy cùng cầu nguyện cho họ vượt qua được sóng to, gió lớn của biển khơi về tới quê hương, nơi có những người cha, mẹ, vợ, con…đang hàng ngày ngóng chờ. Lại nếu, nếu như những ngư dân biết được câu chuyện của đất nước Chilê, thì họ sẽ cầu nguyện được làm công dân đất nước xa xôi đó, dù chỉ một lần trong đời.
Thảm họa bùn đỏ đã gây thiệt hại to lớn đối với con người và môi trường ở Hungary, sông Danube đã bị nhuốm bùn đỏ, ai dám chắc sau 5 đến 10 năm nữa cuộc sống người dân ở đây sẽ trở lại bình thường, sẽ không xảy ra một thảm hoạ nhân đạo. Mặc dù Chính phủ Hungary khẳng định hoàn toàn có khả năng kiểm soát tình hình, một kiểu chấn an dư luận. Thảm họa bùn đỏ ở Hungary là lời bằng chứng rõ ràng về hậu quả của việc khai thác bô xít, trong khi cả thế giới vẫn chưa có phương án tối ưu đối với việc xử lý loại chất thải nguy hại này. Tính chất nguy hại của bùn đỏ thì đã rõ, nhưng những người có trách nhiệm, nhà chức trách cố tình lờ đi. Còn nhớ, thời điểm Việt Nam có chủ trương khai thác bô xít ở Tây Nguyên đã có một làn sóng phản đối, đồng thời đề nghị Chính phủ đánh giá mối nguy hại, hệ luỵ từ quá trình khai thác bô xít Tây Nguyên. Tuy nhiên, thành ý đó đã không được trân trọng, dù đó là các vị lão thành cách mạng, nhân sĩ, tri thức. Hôm nay, trước hậu quả mà người dân Hungary đang phải gánh chịu, thiết nghĩ đó cũng là một tiếng chuông rất lớn, liều thuốc cảnh tỉnh đối với Chính phủ Việt Nam.
Những vẫn đề nổi cộm trong thời gian gần đây, từ chuyện ở sập hầm mỏ ở Chilê, bùn đỏ ở Hungary đến số phận 09 ngư dân Việt Nam, tất cả đều xoay quanh số phận con người, mỗi số phận có một kết cục khác nhau, nhưng nó phụ thuộc vào cách hành xử của xã hội, trách nhiệm của Chính phủ đối với công dân.
Có người nói, sở dĩ Chính phủ Trung Quốc tuyên bố 09 ngư dân Việt Nam đã được thả là do sức ép dư luận trong Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN + 8, đó cũng là “món quà” của người “anh cả” Trung Quốc trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Nhưng thực sự 09 ngư dân được thả hay không và nếu họ được thả liệu họ có vượt qua được biển Đông để về với gia đình, chỉ có “ông trời” mới biết được điều đó?
Cũng có người nói, thảm họa bùn đỏ ở Hungary là lời cảnh báo đối với Chính phủ Việt Nam về việc khai thác bô xít Tây Nguyên, cũng là cơ hội quy tụ ý chí, quyết tâm của tất cả các nhân sĩ, trí thức trong và ngoài nước thể hiện trách nhiệm đối với dân tộc, vì tương lai giống nòi. Bàn dân thiên hạ đang có một ví dụ nhãn tiền chứng minh rõ rệt một Nhà nước có thực sự “của dân, do dân và vì dân” hay không?
Nhất Nam
Sài Gòn, tháng 10/2010.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét