Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

Lý Tống, vì đâu nên nỗi



Những ngày qua dư luận báo chí hải ngoại bàn luận chuyện Lý Tống dùng hơi cay tấn công ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Cái tên Lý Tống không lạ lẫm gì đối với cộng đồng người Việt hải ngoại, đặc biệt bởi anh từng lái máy bay về Việt Nam rải truyền đơn khắp sài Gòn phản đối chính quyền CSVN, việc làm trên khiến mọi người nể phục. Ngày 18/7/2010, tại San Jose, Lý Tống giả gái dùng bình xịt hơi cay tấn công ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng khi anh song ca cùng ca sĩ Mỹ Tâm. Lý Tống đã bị cảnh sát Mỹ bắt ngay sau đó và bị cáo buộc rất nhiều tội danh, chuyện không có gì đáng nói, bởi Lý Tống gây tội sẽ chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước luật pháp Mỹ.

Điều đáng nói ở đây, Lý Tống tấn công Đàm Vĩnh Hưng, anh cho rằng Hưng là “văn công Việt cộng” qua Mỹ tuyên truyền cho Cộng sản, theo tôi được biết ở trong nước Đàm Vĩnh Hưng là ca sĩ có tiếng trong làng giải trí, chủ yếu hát những bài nhạc trẻ, nhạc sến, chứ đâu phải hát nhạc “đỏ”. Lý Tống đã trao nhầm danh hiệu “văn công Việt cộng” cho Đàm Vĩnh Hưng, danh hiệu này phải được giành cho một số ca sĩ như: Thu Hiền, Trung Đức, Trọng Tấn…, đó mới thực sự là công cụ tuyên truyền của Cộng sản. Ở một góc độ nào đó, Đàm Vĩnh Hưng có hát ca ngợi Cộng sản thì cũng chỉ là theo đơn “đặt hàng” trong các hội nghị, liên hoan ban ngành, một ca sĩ trẻ như Hưng, suốt ngày lo ca hát anh đâu có thời gian mà suy nghĩ cho dân chủ, nhân quyền, điều anh quan tâm là hát ở đâu, ai nghe và cát-sê bao nhiêu.
Trong chiến tranh giữa các quốc gia, người ta cũng cấm dùng vũ khí sát thương có tính huỷ diệt, tấn công dân thường, bệnh viện, trường học, tàn phá di tích lịch sử - văn hoá… Lý Tống tấn công Đàm Vĩnh Hưng khi anh đang hoạt động nghệ thuật, anh đang mang cái đẹp cho đời, hành động trên chứng tỏ Lý Tống không tôn trọng giá trị cái đẹp, không tôn trọng hàng nghìn khán ngồi dưới. Nhưng điều tai hại hơn, Lý Tống hành động ngay tại nước Mỹ, nơi mà giá trị của tự do, dân chủ luôn được khẳng định. Đàm Vĩnh Hưng là cã sĩ trẻ, tài năng ca hát có sức lan toả trong giới trẻ (trong nước), anh có hàng nghìn fan hâm mộ, phần lớn là học sinh, sinh viên. Ảnh hưởng của Hưng khiến Cộng sản phải tận dụng như là một thứ vũ khí lợi hại, không phải bỗng dưng Hưng là thành viên Uỷ ban Hội Liên hiệp Thanh niên VN. Lý Tống thật sai lầm khi quyết định tấn công Hưng, ở một khía cạnh nào đó anh đã làm xấu hình ảnh đồng bào hải ngoại, trong khi Lý Tống hành động nhân danh những người đấu tranh dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam. Báo chí trong nước coi đây là một cơ hội tuyệt vời để hạ bệ Lý Tống, không những thế họ còn khéo léo gợi cho độc giả hiểu rằng Lý Tống hành động đại diện cho một tổ chức chống Cộng. Một hành động đơn lẻ, danh nghĩa cá nhân của Lý Tống đã bị báo chí Cộng sản lợi dụng, Lý Tống đã quá sai lầm, khi anh xác định nhầm mục tiêu, nhầm đối tượng đấu tranh. Phương pháp đấu tranh của Lý Tống thể hiện “khí chất” của anh, gây tổn hại hình ảnh cá nhân, nguy hại hơn nó làm cho đồng bào trong nước hiểu nhầm về phương pháp đấu tranh của những nhà hoạt động dân chủ tại hải ngoại. Hành động của Lý Tống chứng tỏ sự bế tắc trong phương pháp đấu tranh, cũng phải thông cảm cho anh, hành trình tìm lại quá khứ hơn 30 năm chưa đến đích, khi xưa anh là phi công một giờ anh đi hàng trăm dặm, giờ đây hành trình vì tự do, dân chủ cho Việt Nam chưa đến đích trong khi mái đầu đã chấm bạc. Phải nói rằng, ở một góc độ nào đó Lý Tống đáng thương hơn là đáng tội.
Một số người đặc biệt là những bạn trẻ ở Mỹ nói rằng, hành động Lý Tống nhân danh cá nhân, không đại diện cho một tổ, một nhóm lợi ích nào. Nhưng hành động của Lý Tống lại thể hiện suy nghĩ, hành động của một nhóm người, nhất là những người già (thế hệ thứ nhất) đang chống cộng theo kiểu cực đoan và lỗi thời.
Ngày 19/7/2010, Đàm Vĩnh Hưng đã có buổi họp báo, câu hỏi của anh làm chúng ta phải suy nghĩ “…một ca sĩ đã hát những bài hát ở trong nước mà đã gây những sự khó chịu , cũng giống như anh chị em ca sĩ hải ngoại cũng từng hát những bài hát ca ngợi sự vinh quang những chiến công hào hùng của những người trước đây, họ vẫn về Việt Nam và vẫn hát bình thường”.
Thiết nghĩ, để tránh xảy ra những sự việc tương tự trong tương lai, làm tổn hại đến uy tín của những tổ chức đấu tranh vì tự do, dân chủ cho VN, cần lên án hành động kiểu côn đồ của Lý Tống, chúng ta cần sự ủng hộ của số trẻ, học sinh, sinh viên (fan của ĐVH) ở trong nước, bởi họ là con cháu, thế hệ kế cận của chúng ta. Làm được điều này thì con đường đấu tranh cho tự do, dân chủ cho VN nhanh đến đích.

          Nhất Nam
Sài Gòn, tháng 7/2010.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét