Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

Lá phiếu của lương tâm, trách nhiệm?

Những ngày cuối tháng 6 vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã bác bỏ “siêu dự án” đường sắt cao tốc Bắc – Nam, phải nói rằng đây là một điều rất mới lạ ở một đất nước mà xưa nay mọi thứ đã được quyết định từ trước, việc đưa ra để xin ý kiến Quốc hội chỉ là một cách hợp thức hoá các quyết định của một nhóm người, một nhóm lợi ích. Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam được sự ủng hộ của Chính phủ, trong đó Bộ GTVT là nơi khỏi xướng và tỏ ra rất quyết tâm với “tâm huyết” của mình.
Sự trùng hợp ngẫu nhiên khi dự án được đưa ra giữa lúc tiết thời tháng sáu oi bức, khi mà người dân đang chịu cảnh mất điện do năng lực yếu kém và sự độc quyền của EVN, thì trong nghị trường các ông nghị tranh luận nảy lửa làm không khí nghị trường cũng nóng lên. Ngoài một số ông nghị đi họp cho có đủ thành phần và một số thỉnh thoảng cũng có vài ý kiến, vài phát biểu nội dung do thư ký chuẩn bị để bằng bạn bàng bè, vẫn còn có nhiều đại biểu có những ý kiến rất thẳng thắn, mổ xẻ, đi thảng vào vấn đề, phải nói rằng lần nào mà không có Trần Du Lịch, Nguyễn Minh Thuyết, Lê Văn Cuông… thì nghị trường kém phần sôi động, lần này siêu dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam là nơi để các ông đăng đàn. Ý kiến chủ yếu đặt vấn đề về tính khả thi của dự án, đặc biệt hơn cả ông nghị Trần Tiến Cảnh đã tự làm “nổi” mình bằng phát biểu gây sốc, ông nói “ở những nơi có chỉ số IQ cao thì người ta có đường sắt cao tốc…”, phát biểu này đã đụng trạm tới lòng tự ái của các ông nghị, họ là những người đại diện cho cơ quan quyền lực nhất VN mà IQ không cao sao? Không những thế còn đụng trạm đến lòng tự trọng của một dân tộc, có lẽ đây là “món quà” cho đại lễ kỷ niệm nghìn năm Thăng Long của ông Cảnh. Xưa nay người ta thường thấy các ca sĩ, người mẫu, diễn viên có phát biểu gây sốc tạo xì căng đan, hôm nay hiệu ứng đã lan toả vào “văn hoá” nghị trường. Lúc này thì nghị trường nóng lên thực sự, nó đã đụng trạm đến cái tôi cá nhân của mỗi người, nên ông nghị Cảnh đã trở thành người hứng “đạn”.
Cuối cùng thì Quốc hội VN cũng đã sáng suốt, bác dự án của Chính phủ, một điều “xưa nay hiếm”, điều đó chứng tỏ Quốc hội VN đang tự là mới mình, đang lấy lại niềm tin trong nhân dân, QH đã quyết định vì tương lai, để con cháu chúng ta không phải trả nợ cho những quyết sách sai lầm của thế hệ hiện tại. Nhưng sau đó ông “tổng” nghị Nguyễn Phú Trọng đã có vài phát biểu cầu hoà với Chính phủ rằng Quốc hội không bác Chính phủ, Quốc hội xét thấy thời điểm này chưa thích hợp cho việc thực hiện dự án, đồng thời yêu cầu Chính phủ tiếp tục nghiên cứu.
Có ý kiến cho rằng việc QH bác dự án nó chứng tỏ không khí dân chủ, tự quyết đã “len lỏi” vào đến cơ quan quyền lực nhất của VN, và rằng QH đã bác bỏ dự án do ngưồn vốn ODA Chính phủ Nhật, khi mà trước đó hàng loạt dự án ODA dính líu đến những quan chức tham nhũng chưa được làm sáng tỏ. Đồng thời, nó phản ánh sự bế tắc của ngành GTVT, bị sức ép quá lớn dư luận, bởi mỗi dịp Tết đến xuân về hàng trăm nghìn lượt người xếp hàng rồng rắn ở các nhà xe, bến tàu mong được về đón giao thừa. Ngành GTVT chưa tìm được một phương án khả thi, lần này họ hoàn toàn phó thác cho các nhà tư vấn Nhật Bản, đi kèm khoản nợ ODA khổng lồ.
Còn nhớ, ở kỳ họp trước đó một số ông nghị đã đề nghị đưa vấn đề khai thác bauxite Tây Nguyên thảo luận và xin ý kiến Quốc hội, nhưng ông “tổng” nghị Nguyễn Phú Trọng nói rằng, dự án khai thác bauxite Tây Nguyên quá “nhỏ” nên Chính phủ không cần thiết phải xin ý kiến Quốc hội (thật là nực cười!), phải chăng lần đó dự án của người “anh cả” Trung Quốc quan trọng hơn người Nhật, nên các ông nghị đã bị Chính phủ qua mặt, nên lần này các ông nghị tức giận và “giọt nước làm tràn ly”.
Nhất Nam
Sài Gòn, tháng 7/2010.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét