Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

Hạnh phúc trong nỗi lo

Những ngày vừa qua tâm điểm của thế giới hướng về các nước Bắc Phi & Trung Đông, cũng đúng thôi, bởi bất ổn chính trị đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe nên kinh tế thế giới, giá vàng, giá dầu tăng hằng ngày, xét cho cùng đây là hệ lụy của sự bất ổn chính trị. Trong khi các nước lớn đang tìm phương cách giải cứu cuộc khủng hoảng chính trị, nhằm đạt kết quả có lợi nhất cho mình. Được sự hỗ trợ tích cực của các Tổ chức quốc tế (ILO, IMO), Chính phủ đã hoàn thành chương trình giải cứu lao động Việt Nam đang kẹt tại Libya, đến nay thì những lao động cuối cùng về nước an toàn, thật là một tin đáng mừng, bởi không có một lao động Việt Nam phải bỏ mạng trên đường mưu sinh.

          Báo chí trong nước thường xuyên cập nhật tin tức về bất ổn chính trị cũng như tin tức, tình hình (số phận) lao động Việt Nam tại Libya, những người quan tâm nhất chính là thân nhân của những nạn nhân của tình trạng bất ổn chính trị, nói như vậy mới thấy để có được miếng cơm manh áo, để tạo dựng được cuộc sống không phải chuyện giản đơn, nhất là với phần lớn lao động tại Libya lại là lao động phổ thông, xuất thân từ vùng quê nghèo. Số lao động phải về nước lần này đều được các công ty xuất khẩu lao động đưa sang, do trước đó thị trường Libya được đánh giá là ổn định, chi phí thấp phù hợp với vùng quê nghèo, đặc biệt các tỉnh miền Trung chỉ có nắng và gió. Hàng nghìn lao động về nước phải đối diện với nguy cơ trắng tay vì nợ nần, chi phí cho mỗi trường hợp đi xuất khẩu lao động lên đến 40-50 triệu đồng, đây không phải là số tiền lớn đối với một số người, nhưng lại là số tài sản lớn với lao động nghèo, để có được số tiền trên họ phải thế chấp ngân hàng chính căn nhà mình đang ở, hi vọng sau một thời gian làm việc họ có thể trang trải nợ nần, ngờ đâu tình trạng bất ổn xã hội ở đất nước xa xôi lại ảnh hưởng trực tiếp đến miếng cơm manh áo của lao động nghèo. Sau bao nhiêu kỳ vọng về sự thay đổi số phận (thoát nghèo), thì tình trạng nợ nần, thất nghiệp vẫn mãi đeo đuổi. Tâm trạng những người lao động tại Libya khi trở về nước ở hai cung bậc mừnglo, lo vay mượn tiền chi phí cho chuyến đi, mừng vì có được việc làm thêm thu nhập trang trải khoản nợ, lo lắng khi tình trạng bất ổn chính trị ở đất nước xa xôi, mừng vì về đến nhà an toàn, nhưng phải làm gì đây khi khoản nợ đến hạn phải trả?
          Một nhà dân chủ hoạt động trong nước từng nhận định rằng, tình hình bất ổn chính trị tại các nước Bắc Phi và Trung Đông là thời cơ cho các nhà hoạt động dân chủ Việt Nam, khi làn sóng người xuống đường biểu tình yêu cầu Chính phủ từ chức, cuộc cách mạng Hòa nhài như một hiệu ứng domino có sức lan tỏa đến các nước còn nhiều bất công, thiếu dân chủ. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan nó chưa thể tạo nên một cuộc cách mạng tương tự Hòa nhài tại Việt Nam, bởi lực lượng xuống đường ở các nước chủ yếu là thanh niên trẻ, công nhân…chưa thấy vai trò các nhà hoạt động dân chủ. Tại Việt Nam có nhiều nhà hoạt động dân chủ, nhiều đảng phái, tổ chức chính trị cùng hưởng ứng bằng các lời kêu gọi, kháng thư…nhưng sức mạnh chỉ dừng lại ở kêu gọi mà thôi, các thành phần trong xã hội chưa sẵn sàng cho việc thay đổi thể chế chính trị. Bất ổn chính trị thời gian qua là liều thuốc thử cho Chính phủ Việt Nam nâng cao sức “đề kháng”, liều thuốc thử phản ứng (khả năng) của các nhà hoạt động dân chủ. Sự bất ổn chính trị buộc hơn 10 nghìn lao động phải về nước, họ là công nhân, nông dân, những người nghèo khó của xã hội, họ ý thức được rằng nếu xảy ra một điều tương tự tại Việt Nam thì họ sẽ là người thiệt thòi hơn cả, số còn lại có quyền lợi gắn bó mật thiết với chính quyền không dại gì từ bỏ quyền lợi mình đang hưởng, như vậy chỉ còn các nhà hoạt động dân chủ “đơn phương độc mã”. Số công nhân trong các khu chế xuất, khu công nghiệp trong nước, cũng đến từ nhiều miền quê khác nhau, đều là lao động phổ thông, bước ra khỏi “lũy tre làng” khái niệm đấu tranh giai cấp, tự do dân chủ như là một điều xa vời, trước mắt chỉ lo cơm áo gạo tiền, gánh nặng mưu sinh. Ở đâu đó có biểu tình, đình công, lãn công chỉ là đòi quyền lợi vật chất, cải thiện thu nhập, trong khi chưa có một nghiệp đoàn hay tổ chức bảo vệ người lao động đứng ra đại diện, khi thấy tình hình diễn phức tạp giới chủ chỉ cần giải quyết một số quyền lợi, đây chính là thủ thuật “xì hơi”, hạ nhiệt tình hình.
          Chúng ta hãy gửi lời chúc mừng đến hơn 10 nghìn lao động về nước an toàn, mong cho họ ổn định cuộc sống, có công ăn việc làm, trang trải nợ nần, tìm kiếm một cơ hội việc làm mới!
          Nhất Nam
          Sài Gòn, 3/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét