Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

Bài toán: Bảo đảm an sinh xã hội và Các khoản phí




Những ngày gần đây, báo giới tốn không ít giấy mực bàn luận về đề xuất phương án giảm ùn tắc giao thông tại 05 thành phố lớn (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ) của Bộ Giao thông vận tải, do Bộ trưởng Đinh La Thăng và cộng sự khởi thảo, người từng tạo được “ấn tượng” buổi đầu nhậm chức và nhiều người hoài nghi đã gắn cho cái danh Thăng “nổ”. Về đề án thu phí giao thông do Bộ trưởng Thăng đưa ra không có gì mới, bởi trước đó có một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM từng manh nha giải pháp thu phí lưu hành phương tiện cá nhân, nhưng chịu sự chỉ trích mạnh mẽ của dư luận, do đó chỉ nằm trên giấy. Thì sự xuất hiện vị “tư lệnh lĩnh vực” - Bộ trưởng Đinh La Thăng, đã thổi một luồng sinh khí mới vào đề án trên, nhưng tiếc thay ở một góc độ nào đó nó như một cơn “gió độc” đối với người nghèo, người vẫn hằng ngày vất vả mưu sinh trên chiếc xe “cà tàng”, lâu nay vẫn cùng chiếc xe (gắn máy) là phương tiện mưu sinh, vốn dĩ để được lưu thông đã gánh bao khoản phí (đăng ký trước bạ, đăng ký cấp biển số, phí xăng dầu…), thì cơn “gió độc” của Bộ trưởng Thăng khiến nó khó có thể gượng dậy. Có vẻ như đến giờ này, vị tư lệnh lĩnh vực rất tâm đắc với đề án của mình, dù có nhiều ý kiến khác nhau.

         Tình trạng ùn tắc phương tiện giao thông trong giờ cao điểm tại 02 thành phố Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đã đến mức báo động, vấn nạn trên đã được những nhà làm quy hoạch giao thông cảnh báo từ nhiều năm trước, nhưng không được những người có thẩm quyền quan tâm đúng mức, thậm chí còn góp phần đẩy tình trạng này đến nhanh hơn. Vấn nạn ùn tắc phương tiện giao thông là hệ lụy của sự yếu kém trong quy hoạch đô thị, quy hoạch hạ tầng giao thông (khả năng dự báo) không theo kịp sự phát triển của xã hội, đó là hệ lụy của việc cấp phép xây dựng cho hàng trăm cao ốc văn phòng, chung cư…tại trung tâm thành phố..v.v. Để xảy ra vấn nạn này, những nhà quản lý phải là người đầu tiên chịu trách nhiệm, nhưng không, sau một thời gian suy tính, “quả bóng” trách nhiệm đẩy qua người dân, thông qua đề án thu phí giao thông của Bộ GTVT.
          Như đã nói ở phần trên, nếu đề án trên được thông qua, thì mỗi đầu phương tiện cá nhân phải chịu tới 9 khoản phí. Thời Pháp thuộc, dân ta trong cảnh thuộc địa nửa phong kiến, phải chịu siu cao thuế nặng, nhưng cũng chỉ đến mức “một cổ ba tròng”. Nhưng nay, phương tiện lưu thông cá nhân (xe máy, ôtô…), nó đơn thuần chỉ là phương tiện đi lại (vật vô chi vô giác) đã phải cõng trên mình 09 khoản phí. Hết muốn nói !
          Có ý kiến cho rằng, đề án thu phí lưu hành phương tiện giao thông là một biến tướng của kiểu quản lý “không quản lý được là cấm”, ở một góc độ nào đó đề án thu phí giao thông là để bù đắp cho sự lãng phí (thất thoát, tham nhũng) trong phát triển hạ tầng giao thông, dù nó được gắn cho mục đích mục đích mĩ miều là: thu phí lưu hành phương tiện để giảm ùn tắc giao thông, thu phí để lấy tiền tái đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông… Chính phủ Việt Nam luôn cho rằng, phải cải thiện an sinh xã hội, chăm lo cuộc sống người dân, đặc biệt người nghèo, bởi họ là người dễ bị tổn thưởng nhất trong thời buổi kinh tế khó khăn. Nói thì như vậy, nhưng cách làm có vẻ mâu thuẫn.
          Tin giờ chót, đúng ngày “cá tháng tư” (01/4), trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Bộ trưởng Thăng cho biết, do tình hình kinh tế khó khăn (có thể do lo sợ phản ứng của dư luận thời gian qua), Bộ GTVT chưa đề nghị thu phí trong năm 2012, đây là tin vui đối với những người tham gia giao thông; nực cười hơn, khi Thăng “nổ” lạc quan cho rằng “…việc thu phí chỉ có giai đoạn lịch sử nhất định, …năm 2020 Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển, việc thu phí phương tiện có thể bỏ, khuyến khích sử dụng phương tiện cá nhân…”, kiểu lý sự này chỉ có trong ngày “cá tháng tư”! vì thực tế hầu hết các dự án phát triển giao thông đường bộ ở Việt Nam thời gian gần đây được đầu tư theo hình thức BOT (đầu tư, kinh doanh, chuyển giao), chủ đầu tư thu phí đến 2030 thậm chí đến năm 2040, mới chuyển giao, thì làm sao bỏ thu phí???
Nhất Nam
            Sài Gòn, tháng 4/2012.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét