Thứ Sáu, 4 tháng 2, 2011

Hạnh phúc có thực sự đến với người dân Ai Cập?



 Cuối cùng thì Tổng thống Mubarak sản phẩm của nền độc tài, trị vì nhân dân Ai Cập hơn 30 năm đã phải rời khỏi chính trường, như một kẻ tội đồ đối với nhân dân Ai Cập, bởi hơn 03 thập niên cầm quyền cái mà ông mang lại cho đất nước là nghèo đói, tỉ lệ thất nghiệp cao, nạn tham nhũng tràn lan.

Cơn “thịnh nộ” của nhân dân Ai Cập kéo dài hơn 18 ngày buộc Tổng thống Mubarak phải từ chức và trao quyền lãnh đạo cho Quân đội, điều này cho thấy sức mạnh của nhân dân, khối đoàn kết dân tộc, cùng sự hỗ trợ đắc lực của mạng internet, trong đó các trang google, facebook …đóng vai trò quan trọng và quyết quyết định trong việc kết nối và truyền tải những thông điệp đến đoàn người biểu tình. Những người biểu tình, đặc biệt là số thanh niên Ai Cập trẻ như Ghonim đã dùng internet như một phương tiện kết nối đoàn người biểu tình, Chính phủ Ai Cập đã nhận thấy mối nguy hại này và yêu cầu các hãng truyền thông ngừng cung cấp dịch vụ, nhưng chính điều đó là “ngòi nổ” cho cơn thịnh nộ, khi ngày không có (cắt) internet (28/01/2011) được gọi là “ngày nổi giận” của nhân dân Ai Cập, ngày của hàng triệu người xuống đường biểu tình phản đối chính phủ của và yêu cầu Tổng thống từ chức. Như vậy mới thấy được sức mạnh của thông tin, truyền thông, được như “cơ quan quyền lực thứ tư”, ban đầu internet chỉ là phương tiện để tập hợp các giai tầng trong xã hội, nhưng khi dòng người xuống đường thành “biển người” thì internet chỉ là phương tiện truyền tải tin tức, tình hình.
          Hôm nay, thế giới quan tâm đến Ai Cập, không phải vì Ai Cập có tượng Nhân sư, lăng mộ của các Pharaon hàng nghìn năm tuổi, mà giờ đây nhân dân Ai Cập được nhắc đến như một biểu tượng của tinh thần đoàn kết chống lại ách độc tài cai trị hơn 30 năm qua, biểu tượng “quật khởi” đấu tranh đòi lại công bằng, dân chủ và họ đã thành công. Tại Việt Nam cũng có rất nhiều nhà hoạt động dân chủ đang ngày đêm đấu tranh đòi tự do dân chủ, họ đang “dấn thân” vì một nước Việt Nam dân chủ, để các quyền cơ bản ghi trong Hiến pháp được thực hiện. Và rất nhiều trong số họ đã bị đàn áp bàng nhiều hình thức khác nhau, trong đó phần lớn bị cắt điện thoại, internet. Như vậy, chứng tỏ dù ở “ta” hay “tây”, thể chế chính trị nào cũng vậy, tất cả đều nhận thấy tầm quan trọng của internet, nên họ đều tìm cách cắt phương tiện liên lạc, như một biện pháp thể hiện “sức mạnh” của quyền lực Nhà nước, nhưng đồng thời thể hiện sự bất lực của chính quyền.
Nhân dân Ai Cập dùng mạng internet kết nối mọi người xuống đường biểu tình, khi internet bị cắt nó trở thành “ngòi nổ” cho “ngày nổi giận”, nhận thấy những người biểu tình yêu cầu Tổng thống Mubarak từ chức phần lớn là tầng lớp thanh niên trẻ, chưa thấy các nhà hoạt động dân chủ “lộ diện”. Còn ở Việt Nam có rất nhiều nhà dân chủ, đảng phái chính trị ở trong nước cũng như hải ngoại đang hằng ngày, hằng giờ đấu tranh để cải thiện tình hình dân chủ trong nước, cũng có một số cuộc biểu tình, nhưng chưa đủ lớn đề gấy sức ép lên chính quyền, cũng như gây được sự chú ý của dư luận quốc tế. Điều đó chứng tỏ tại Việt Nam chưa có một cá nhân hay đảng phái chính trị đối lập với Đảng Cộng sản có thể làm được một điều tương tự từng xảy ra tại Ai Cập.
Tổng thống Mubarak ra đi, trao quyền kiểm soát cho Quân đội, nhân dân Ai Cập cần một thời gian cho cuộc tổng tuyển cử tự do. Nhưng ai dám chắc từ giờ đến lúc đó họ sẽ được sống trong hoà bình, có một điều chắc chắn rằng sau khi Tổng thống từ chức có một khoảng trống quyền lực và cuộc khủng hoảng chính trị sẽ diễn ra. Thực tế tại Ai Cập, các đời Tổng thống đều là người từng trải qua quân ngũ và được quân đội ủng hộ, trước làn sóng phản đối của quần chúng nhân dân, quân đội đã đứng về phía nhân dân, yêu cầu Tổng thống từ chức, biết đâu đây chẳng là một thủ thuật “xì hơi” (hạ nhiệt) trước cơn “thịnh nộ” của quần chúng để rồi sau đó đưa người khác của phe mình lên nắm quyền ? Bệnh gian trá, dân chủ giả hiệu của các nhân rất độc tài không thể coi thường, sự cảnh giác chính trị không bao giờ là thừa cả.
Dù sao cũng chúc mừng nhân dân Ai Cập và cùng cầu chúc cho họ được hưởng tự do, dân chủ. Chiến thắng của nhân dân Ai Cập là một minh chứng cho tinh thần đoàn kết; đây là một cuộc xuống đường của các giai tầng trong xã hội, dù gặp nhiều cản trở từ phía nhà cầm quyền, một bài học lớn cho Việt Nam.
Nhất Nam
Sài gòn, tháng 02/2011.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét